Những Điều Cần Biết Sau Khi Tổ Chức Tang Lễ

Những Điều Cần Biết Sau Khi Tổ Chức Tang Lễ

Từ sau khi tang lễ đến khi cải táng là một thời gian dài, ít nhất là ba năm trở lên, tùy gia đình cải táng sớm hay muộn. Nhưng có 4 việc tìm hiểu sau khi tổ chức tang lễ:

1) CÚNG BA NGÀY.

Sau khi mai táng đến ngày thứ ba, con cháu và thầy cúng ra mộ, cúng mở cửa mả, đắp thêm cho mộ được cao ráo đẹp đẽ, rồi về nhà cúng ba ngày.

Tùy nơi có cách tính ba ngày khác nhau. Một số địa phương tính từ ngày mất là ngày thứ nhất. Cách này là do chỉ để người mất, quàn tại gia một ngày đêm, nên sau ngày chôn là đến ngày thứ ba, tiến hành cúng ba ngày luôn, như vậy là hợp lý.

Một cách tính nữa, tính từ ngày chôn là ngày thứ nhất. Trường hợp này do quàn tại gia hoặc ở nhà lạnh của bệnh viện quá ba ngày, để chờ con cháu về đông đủ.

Dân ta quan niệm rằng sau khi chôn, hồn vẫn còn phiêu diêu chưa ổn định. Mặt khác trước khi chôn, bàn thờ người chết chưa thật sự yên vị, vì bàn vong di chuyển ra nghĩa địa rồi lại đưa về. Đến ngày thứ ba mọi việc đã chu tất cho bàn thờ, mời hồn người chết về yên vị tọa lạc để con cháu phụng thờ.

dịch vụ tang lễ trọn gói tại Hà Nội

Bàn thờ người mới mất để ở vị trí riêng biệt, chưa được đưa thờ chung ở bàn thờ Gia tiên. Vì người mới mất chưa được sạch sẽ.

Sắp đặt bàn thờ có ảnh, bát hương…và các thứ cần thiết. Tùy số lượng câu đối trướng mà treo cho hợp lý quanh bàn thờ. Phía sau bàn thờ, treo cao những bức trướng của dòng họ, tổ chức, tập thể; rồi đến trướng các gia đình thông gia, họ mạc…bạn bè thân hữu. Có thể treo vây quanh tạo không gian ấm cúng cho bàn thờ.

Thủ tục cúng ba ngày phần lớn vẫn do thầy cúng làm.

Từ đây đèn hương liên tục thắp cả ngày và đêm. Bàn thờ có nước, trầu, rượu, hoa quả; vài hôm thay một lần. Hàng ngày sáng chiều đến bữa, đều cúng cơm, coi như cha mẹ, ông bà vẫn bên con cháu dùng bữa hàng ngày. Cúng cơm này không cầu kỳ, trong nhà ăn gì cúng thức ấy, chỉ một ít tượng trưng, có bát đũa đặt trong một khay nhỏ, và rượu nước, trầu cau…

Việc cúng cơm thường nhật, duy trì ít nhất đủ tuần 49 ngày. Có nhà duy trì đến tuần 100 ngày mới thôi. Hương đèn từ đây cũng tắt.

2) CÚNG TUẦN 49 & 100 NGÀY SAU TANG LỄ

– Tuần 49 ngày gọi là cúng “chung thất”. Người ta lấy vía đàn ông để tính. Một vía là 7 ngày, bảy vía là 49 ngày. Cúng ở nhà tuần này nhằm làm cho linh hồn người mất được mát mẻ.

Một số người theo đạo Phật và một số nhà muốn “Quy” người mất về chùa, nương nhờ cửa Phật “ăn mày lộc Phật”! Nên thường nhờ nhà sư làm tại chùa trong tuần 49 ngày, cho linh hồn chóng được siêu thăng tịnh độ.

– Cúng 100 ngày còn gọi là Tốt khốc – Thôi khóc. Ngày trước thường khóc trong vòng ba tháng mười ngày.

Phật giáo cho rằng người chết xuống âm phủ phải qua “Thập điện  – Mười cửa ải” vô cùng nguy hiểm. Vòng 49 ngày mới qua 7 cửa ải. Qua vòng 100 ngày mới xong 10 cửa ải, từ đây linh hồn mới siêu thoát hoàn toàn. Con cháu không khóc nữa, thực sự “yên tâm” người khuất núi đã thoát hiểm!

Tùy theo tục từng địa phương, có nơi coi cúng 49 ngày là lễ lớn, có nơi lại coi cúng 100 ngày mới là lễ lớn. Dịp này, nội ngoại đến dự lễ, bà con cộng đồng đều có lễ đến thắp hương. Chủ nhà thường mời quan khách bữa cơm thân mật.

3) THỜI GIAN ĐỂ TANG SAU KHI TỔ CHỨC TANG LỄ

Việc để tang ở nước ta trước đây theo Thọ Mai Gia Lễ, phân làm hai loại: đại tang và tiểu tang. Tiểu tang có 4 bậc, đại tang chỉ có 1 bậc. Tất cả có 5 bậc, gọi là ngũ phục.

   3.1.) Đại tang:

Thời gian để đại tang là 3 năm, nhưng trên thực tế người ta chỉ để đại tang có 27 tháng. Điều này chưa có lời giải thích, theo chúng tôi có lẽ người ta lấy thời gian mang thai 9 tháng để tính một năm. Như vậy ba năm là 27 tháng! Trong dân gian vẫn có câu vợ khóc chồng:

   “Ba năm hai bảy tháng chàng ơi!”

Hồ Xuân Hương khóc ông Phủ Vĩnh Tường với hai câu thơ còn lưu mãi:

   “Hai bảy tháng trời là mấy chốc,

   Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi!”

Những người chịu đại tang gồm có:

– Con để tang cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi,

– Nàng dâu để tang cha mẹ chồng,

– Vợ để tang chồng,

– Cháu đích tôn thừa trọng (thay cha khi cha mất) để tang ông bà,

– Chắt thừa trọng (thay cha và ông khi cha và ông đều mất) để tang cụ ông cụ bà.

   3.2.) Tiểu tang:

Theo tục lệ, tiểu tang có bốn bậc khác nhau và thời gian để tiểu tang cũng khác nhau, tùy theo thân hay sơ.

a.) Cơ niên: Để tang một năm. Những người để tang một năm gồm :

– Cha mẹ để tang cho con trai, con dâu trưởng, và con gái (chưa đi lấy chồng).

– Chồng để tang cho vợ.

– Con rể để tang cho cha mẹ vợ.

– Anh em và chị em (chưa đi lấy chồng) kể cả anh chị em cùng cha khác mẹ để tang cho nhau.

– Em để tang cho chị dâu trưởng.

– Cháu trai và cháu gái (chưa đi lấy chồng) để tang cho ông bà nội.

– Cháu để tang cho chú bác ruột và cô ruột (chưa đi lấy chồng).

– Cháu dâu để tang cho ông bà nhà chồng.

b.) Đại công: Để tang 9 tháng. Những người để tang 9 tháng gồm:

– Cha mẹ để tang con gái (đã đi lấy chồng) và con dâu thứ.

– Chị em ruột (đã đi lấy chồng) để tang cho nhau.

– Anh em con chú con bác ruột để tang cho nhau.

– Chị em con chú con bác ruột (chưa đi lấy chồng) để tang cho nhau.

c.) Tiểu công: Để tang 5 tháng. Những người để tang 5 tháng gồm:

– Anh chị em cùng mẹ khác cha để tang cho nhau.

– Chị em con chú con bác ruột (đã đi lấy chồng) để tang cho nhau.

– Con để tang cho dì ghẻ.

– Cháu để tang cho ông chú, bà bác, và bà thím.

– Cháu để tang cho bà cô (chưa đi lấy chồng), chú họ, bác họ, thím họ, cô họ (chưa đi lấy chồng), ông bà ngoại, cậu, và dì ruột.

– Chắt để tang cho cụ ông cụ bà bên nội.

d.) Ti ma: Để tang 3 tháng. Những người để tang 3 tháng gồm:

– Cha mẹ để tang cho con rể.

– Con cô con cậu và đôi con dì để tang cho nhau.

– Cháu để tang cho ông chú họ, ông bác họ, bà cô họ (chưa đi lấy chồng), bà cô (đã đi lấy chồng), và cụ cô (chưa đi lấy chồng).

– Chắt để tang cho cụ chú cụ bác.

– Chút để tang cho kỵ ông kỵ bà bên nội.

Việc để tang của ta thể hiện một nền văn hóa lâu đời, có tôn ti trật tự, có phép tắc hẳn hoi, phân biệt thân sơ rõ ràng. Cần phải học hỏi và được giáo dục, mới biết và thực hiện đúng theo phong tục được. Nhìn vào việc con cái để tang ông bà hay cha mẹ, ta biết được gia đình đó có giáo dục theo nếp Việt hay không.

Ngày nay đồ tang phục chỉ được mặc cho đến khi chôn cất thân nhân xong. Sau đó, đeo một miếng vải đen nhỏ bằng đầu ngón tay cái ở nẹp áo trước ngực hay ở trên mũ. Còn đàn bà, đầu vấn khăn trắng (ở nông thôn) hoặc găm miếng vải đen ở trước ngực phía trái khi mặc áo. Điều cốt yếu là Tang tại Tâm!

 4) ĐỐT MÃ.

Trần sao Âm vậy, nếp nghĩ này đã ăn sâu vào tiềm thức người ta từ bao đời nay. Người sống phải lo chu cấp cho người âm, những vật dụng sinh hoạt đầy đủ như khi còn sống mà người đó thường dùng. Nên mới có tục đốt mã.

Người chết sau rằm tháng bảy, thường đốt mã vào dịp 49 ngày. Người chết trước Rằm tháng bảy, chưa đủ 49 ngày tính đến rằm tháng bảy, thì đốt mã vào dịp Rằm tháng bảy. Nhưng phải đốt trước ngày mồng 10 tháng bảy. Còn ngày rằm chỉ đốt cho người chết đã hết tang và cúng cô hồn thôi.

Đốt mã là một việc nhạy cảm, không nên quá lạm dụng, lãng phí tiền của không cần thiết. Vấn đề là ở cái tâm của từng người. “Tâm động quỷ thần tri – Ta nghĩ gì, quỷ thần đều biết cả”. Báo hiếu cha mẹ đâu cứ mâm cao cỗ đầy, đốt mã xa hoa mà phải xuất phát từ tấm lòng của con cháu.
Nguồn: saigonthienphuc
 

Nếu bạn có nhu cầu biết thêm thông tin hoặc hỗ trợ các dịch vụ liên quan đến mai táng.
Vui lòng liên lạc với chúng tôi, chúng tối rất hân hạnh được hỗ trợ quý vị.

Mr. Vũ Phi Long
Điện thoại: 0982.462.985
Email: Vuphilong1212@gmail.com
Dịch vụ tang lễ - Dịch vụ mai táng trọn gói - Nhà tang lễ Minh Châu - Dịch vụ tang lễ trọn gói tại Hà Nội